Như chúng ta đã biết, văn hoá là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần của mỗi dân tộc. Các dân tộc trong quá trình sinh tồn và phát triển đều có một nền văn hoá riêng. Bản sắc văn hóa là đặc thù, là những giá trị gốc, căn bản, cốt lõi; những giá trị đặc trưng riêng của dân tộc. Đó chính là cái "hồn", là sức sống nội sinh biểu lộ một cách trọn vẹn nhất sự hiện diện của mỗi quốc gia trong quá trình giao lưu và hội nhập. Giá trị văn hoá đích thực luôn có sức mạnh cảm hoá con người hướng tới Chân - Thiện - Mĩ. Đất nước Việt Nam với hơn 54 thành phần dân tộc, 54 đóa hoa tạo nên vườn hoa muôn sắc muôn hương. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử với biết bao biến động thăng trầm, nhưng chúng ta vẫn tự hào gìn giữ được một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Trên con đường hội nhập và phát triển, việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là một vấn đề mang tính cấp thiết, cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp và toàn xã hội, bởi trong những năm qua, kinh tế hội nhập đã làm cho nước ta có những bước phát triển vượt bậc cả về kinh tế, văn hóa, xã hội…song cũng đem lại không ít thách thức cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa. Bên cạnh những yếu tố tích cực trong việc tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, một số nét văn hóa cổ truyền dường như đang bị mai một dần.Văn hóa của các dân tộc thiểu số trong quá trình hội nhập cũng đang bị mất dần đi một số nét đẹp truyền thống. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa nói chung là bổn phận của mỗi cá nhân, gia đình và cả xã hội. Tuy nhiên môi trường giáo dục được kỳ vọng nhiều hơn cả là ở trường học, đặc biệt là học sinh các trường khối DTNT. Trường Phổ thông DTNT là mô hình trường học đặc biệt, ở đây tập trung đông đảo các thành phần học sinh dân tộc vì thế việc giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số sẽ đạt hiệu quả cao hơn so với các môi trường khác. Giống như bao mái trường Phổ thông DTNT khác, trường Phổ thông DTNT THCS Nam Giang cũng là ngôi trường đặc thù chuyên biệt, là mái nhà chung của các thành phần dân tộc Cơ tu, Ve, Tà Riềng, … mà ở đó được xem như “trường là nhà, thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em” nên vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được xem như một nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng, cấp thiết. Chính vì thế, chúng ta cần phải phát huy tốt chức năng lưu giữ và giáo dục bản sắc văn hóa cho học sinh qua mô hình trường học này.
Giáo dục về bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số cho học sinh qua hoạt động ngoại khóa không chỉ được thể hiện qua những hoạt động văn hóa, văn nghệ mà còn thể hiện ở một số hình thức khác. Đó là thiết kế phòng trưng bày hiện vật gồm những sản phẩm văn hoá của các dân tộc như trang phục, trang sức, vật dụng gùi, nỏ, cồng chiêng, đinh tút, …của các dân tộc để các em học sinh tham quan, tìm hiểu và sử dụng trong các ngày lễ hội.
Việc sưu tầm, tập hợp, trưng bày, giới thiệu và gìn giữ những tài liệu, hiện vật có liên quan đến văn hoá dân tộc trong phòng truyền thống của nhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, cung cấp thông tin, phổ biến tri thức để thực hiện nhiệm vụ giáo dục truyền thống cho giáo viên, nhân viên và học sinh. Đó cũng là cách để trực tiếp khơi gợi ở các em học sinh ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc từ ngàn đời của dân tộc.
Tuy nhiên, vì điều kiện CSVC nên nơi lưu giữ những hiện vật đó được đặt chung ở phòng Đoàn - Đội rất khó cho việc trang trí, trưng bày, khó tham quan. Chính vì vậy Chi ủy, Ban giám hiệu đã họp bàn thống nhất phương án xây dựng nhà Gươl và cũng thống nhất trong toàn thể đội ngũ, cùng sự hỗ trợ giúp đỡ của quý bậc phụ huynh. Cho đến nay, công trình nhà Gươl đã tiến hành xây dựng. Đây là công trình mang ý nghĩa hết sức lớn lao, là nhân chứng sống cho việc xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, phù hợp với đặc thù của trường chuyên biệt phổ thông DTNT THCS Nam Giang.