Ngày 14/12, Trường Phổ thông DTNT THCS Nam Giang đã phối hợp với Công an huyện Nam Giang và Công an thị trấn Thạnh Mỹ tổ chức buổi “Tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” quý IV năm 2024 cho học sinh toàn trường.
I. Đến dự buổi tuyên truyền có đại biểu khách mời và báo cáo viên:
1. Đ/c Thượng tá Nguyễn Văn Thiện – Phó trưởng công an huyện.
2. Đ/c Đại úy Nguyễn Hữu Anh Việt, cán bộ Cảnh sát phòng chống tội phạm; PCCC và Cứu Nan Cứu Hộ - Công an thị trấn Thạnh Mỹ.
3. Đ/c: Phạm Huy, cán bộ đội quản lí về trật tự xã hội- Công an huyện Nam Giang.
II. Về phía ban lãnh đạo nhà trường:
1. Thầy giáo Mai Tấn Lâm – PBTCB - PHT Nhà trường
2. Thầy giáo Tơ Ngôn Việt – Phó hiệu trưởng
3. Cô giáo Lê Thị Phụng Ngọc – CTCĐ
Cùng các thầy cô giáo và toàn thể các em học sinh cũng có mặt đầy đủ.
III. Về nội dung tuyên truyền:
1. Tầm quan trọng của công tác phòng cháy chữa cháy: Công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, bởi cháy nổ rất dễ xảy ra và nếu không có những biện pháp xử lí kịp thời thì sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng thiệt hại về người và tài sản. Vì vậy, để nhằm nâng cao hiểu biết của học sinh, CBGVNV về tính chất nguy hiểm, tác hại, hậu quả của cháy, nổ đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội và các biện pháp, quy trình phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại gia đình, trường học và cộng đồng; trách nhiệm báo tin khi có sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho học sinh trong các cơ sở giáo dục nhà trường đã mời Đội phòng cháy chữa cháy công an huyện Nam giang về tuyên truyền, hướng dẫn cho HS, CBGVNV toàn trường nắm bắt kịp thời.
Trường học là nơi tập trung số lượng lớn học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên phục vụ, một khối lượng lớn cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện và phục vụ quá trình học tập, sinh hoạt. Chất dễ cháy trong trường học như: chăn, gối, bàn ghế, đồ dùng dạy học, thiết bị điện tử...; Chất dễ bắt cháy như xăng trong khu vực nhà xe, ga như khu vực bếp ăn tập thể của HS nội trú.
2. Hướng dẫn các biện pháp phòng cháy trong trường học:
- Thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, quá trình sử dụng điện, ga trong trường.
- Trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy ban đầu như: bình khí CO2, bình bột chữa cháy luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
- Các chú công an đã tuyên truyền, hướng dẫn phương án chữa cháy, phương án thoát nạn cho HS và mọi người khi có cháy xảy ra.- Không sử dụng điện tùy tiện.
- Học sinh không được nghịch lửa, diêm, các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt trong trường.
- Khi có cháy xảy ra phải chủ động thực hiện nhiệm vụ chữa cháy. Triển khai toàn bộ lực lượng, phương tiện chữa cháy hiện có để chủ động khống chế dập tắt đám cháy.
*Cách phân biệt bình chữa cháy dạng bột khô và dạng khí C02
Cách phân biệt đơn giản mà chính xác nhất là bình bột thì có đồng hồ đo trên đầu và vòi phun thì nhỏ chỉ cỡ ngón chân cái. Bình CO2 ngược lại không có đồng hồ đo, vòi phun lớn và dài khoảng 0.4m nhìn như chiếc loa.
Bình bột: Dập được nhiều loại đám cháy như rắn, lỏng, khí. Đối với các đám cháy thiết bị điện tử, các dụng cụ đo có độ chính xác cao thì bình bột không thích hợp để chữa cháy. Nó vẫn có thể dập tắt lửa nhưng sẽ làm hư hỏng các thiết bị này do có tính muối. Nó sẽ làm rỉ sét và ăn mòn các thiết bị này.
*Kĩ năng thoát hiểm và phương án xử lý trong trường học
- Giữ thái độ bình tĩnh khi phát hiện có hỏa hoạn.
- Báo động khẩn cấp bằng cách hô hoán hoặc tạo ra âm thanh lớn để gây sự chú ý.
- Lập tức ngắt điện toàn bộ khu vực bị cháy nhưng lưu ý phải dùng vật liệu cách điện để tránh nguy cơ bị điện giật.
- Gọi điện thoại ngay tới số 114 và thông báo cháy.
- Sử dụng các phương tiện chữa cháy gần nhất để dập lửa như bình chữa cháy, nước…
- Tuyệt đối không được dùng nước chữa cháy khi chưa ngắt nguồn điện vì rất dễ xảy ra chạm mạch, cháy nổ bùng phát mạnh mẽ hơn, nước dẫn điện làm chết người.
*Cách xử lý khi bị bắt lửa vào quần áo: Nằm nhanh xuống sàn nhà hoặc áp mình vào tường phía trước hoặc sau; không lấy tay dập lửa; không được nhảy ngay vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước nếu không chắc chắn đó là nơi an toàn vì nước có thể bị nấu sôi do lửa tác động,... Khi thấy người khác bị cháy dùng chăn chiên đã tẩm nước hoặc dùng các bình bột, chữa cháy, nước để dập tắt lửa.
3. Hướng dẫn trải nghiệm phòng cháy chữa cháy
Một số CBGVNV và HS được thực hiện trải nghiệm phòng cháy chữa cháy
Qua đó, CBGVNV và hs toàn trường nhận biết được nguyên nhân và các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và phòng ngừa sự cố, tai nạn thông thường. Mọi người nắm biết các kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy, nổ. Thực hành và sử dụng thành thạo các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ với thiết bị mô hình.